DOANH NGHIỆP BỊ XỬ PHẠT HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG
Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã phát hiện và tạm dừng làm thủ tục thông quan đối với lô hàng bao gồm 162 bộ nguồn cấp điện liên tục chứa dấu hiệu “SANTAKUPS” do Công ty TNHH công nghệ Điện tử ETS (Công ty ETS) nhập khẩu từ Trung Quốc. Lô hàng này bị nghi ngờ xâm phạm nhãn hiệu “SANTAK”.
“SANTAK” là thương hiệu nổi tiếng của EatonPhoenixtec đã được bảo hộ ở Việt Nam từ năm 1995 cho hệ thống cung cấp điện liên tục (UPS-Uninterruptible Power Supply). Ở Châu Á, thương hiệu “SANTAK” chiếm thị phần lớn, được sử dụng cho các thiết bị văn phòng, nhà máy, phòng điều khiển công nghệ cao. Đây cũng là lý do mà các doanh nghiệp không chân chính luôn cố tình làm giả, làm nhái để hưởng lợi bất chính từ uy tín-danh tiếng của thương hiệu này.
Bởi vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu đã rất chú trọng tới các biện pháp bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm thương hiệu của mình, đặc biệt là các biện pháp kiểm soát nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
(Ảnh chụp sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu “SANTAK” – Nguồn: Ageless)
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, chủ sở hữu nhãn hiệu đã ủy quyền cho Công ty luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân (AGELESS IP Attorneys & Consultants) là đại diện pháp lý, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý hành vi xâm phạm nêu trên.
Qua tiến hành giám định, xác minh, bước đầu vụ việc được nhận định là:
– “SANTAKUPS” là một chữ được viết liền nhưng đã được cố tình trình bày tạo cho người tiêu dùng thấy rằng đây là một sự kết hợp giữa hai chữ “SANTAK” và “UPS”. Trong đó, “UPS” là tên viết tắt của sản phẩm “hệ thống cung cấp điện liên tục” (Uninterruptible Power Supplier), vì vậy “UPS” không đóng vai trò tạo ra khả năng phân biệt cho nhãn hiệu;
– Như vậy, việc so sánh sẽ chỉ được thực hiện với thành phần “SANTAK”, giống hoàn toàn với nhãn hiệu nổi tiếng “SANTAK” đang được bảo hộ;
– Mặc dù, nhãn hiệu bao gồm cả phần chữ và phần hình nhưng phần chữ được trình bày nổi bật, có thể đọc được, do đó là thành phần chính (mạnh) của Nhãn hiệu.
Mới đây nhất, sau quá trình điều tra làm rõ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt số tiền 228.000.000 (Hai trăm hai mươi tám triệu) đồng đối với Công ty ETS về hành vi “Nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền với nhãn hiệu” theo quy định tại Khoản 9, điểm c, Khoản 3, Khoản 16 và Điểm a hoặc b Khoản 17 Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, Công ty ETS còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa trong thời hạn 01 tháng; buộc phải loại bỏ và tiêu hủy dấu hiệu xâm phạm “SANTAKUPS” gắn lên sản phẩm bộ nguồn cấp điện liên tục, vỏ hộp sản phẩm và Tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Nhờ việc đăng ký kiểm soát hải quan và lựa chọn đơn vị đại diện pháp lý chuyên nghiệp, Eaton Phoenixtec đã kịp thời ngăn chặn nguy cơ bị xâm phạm nhãn hiệu, bảo vệ được quyền lợi và danh tiếng của mình đối với thương hiệu “SANTAK”. Vụ việc trên cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những cá nhân, tổ chức đã hoặc đang có hành vi xâm phạm, lợi dụng những thương hiệu đã có uy tín để trục lợi bất chính.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu, nhất là trước giá trị kinh tế mà những tài sản Sở hữu trí tuệ mang lại, các Doanh nghiệp càng phải quan tâm và bảo vệ chống lại các hành vi xâm phạm thương hiệu của mình, đặc biệt là sử dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa nhập khẩu. Từ đó, góp phần từng bước đẩy lùi được vấn nạn xâm phạm nhãn hiệu, hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay.